Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Chuyên mục Chuyên mục

Ảnh Ảnh

      Thông tin cần biết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 11,312
Tổng số trong ngày: 9,404
Tổng số trong tuần: 12,759
Tổng số trong tháng: 107,090
Tổng số trong năm: 884,345
Tổng số truy cập: 6,054,328

Khai mạc Lễ hội Nghè Cả phường Dĩnh Kế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 15-3 ( mồng 6 tháng Hai xuân Giáp Thìn năm 2024), phường Dĩnh Kế long trọng tổ chức khai mạc lễ hội Nghè Cả. Tham dự có các đồng chí Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ phường Dĩnh Kế, nhân dân phường Dĩnh Kế và du khách thập phương.

ĐC Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Dĩnh Kế  khai mạc lễ hội

Hát giao lưu quan họ tại lễ hội Nghè Cả, phường Dĩnh Kế

Tại đây các đại biểu cùng ôn lại lịch sử truyền thống Nghè Cả. Nghè Cả  phường Dĩnh Kế được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, là nơi thờ Đức thánh Cả: Cao Sơn- Quý Minh Đại vương, vị tướng giỏi thời vua Hùng dựng và giữ nước. Năm 2015 Nghè Cả được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các gia đình và cá nhân hảo tâm công đức xây dựng, cải tạo lại khang trang, sạch đẹp như hiện nay. Ngày 5/02/1994 Bộ trưởng bộ Văn hóa- Thông tin đã ký quyết định công nhận Nghè Cả là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Tương truyền vào thời Hùng Vương thứ 18, ở đạo sứ Nghệ An có một đôi vợ chồng dòng dõi thi lễ nhiều đời làm công danh. Ngày 15 tháng 3 năm Nhâm Ngọ, người vợ hạ sinh được hai người con trai diện mạo khác thường, đặt tên cho người con trai lớn là Cao Sơn, người em là Quý Minh. Khi mới 12 tuổi, hai ông học hành thông mẫn, võ nghệ kỳ tài, khó ai sánh nổi. Khi hai ông 18 tuổi cha mẹ đều quy tiên, bèn tìm nơi đắc địa để mai táng và chịu tang cha mẹ tròn 3 năm chu tất. Khi đó vua Hùng Duệ Vương hạ chiếu lệnh cho các Châu, huyện, đạo tuyển chọn những người có tài đức ra làm quan, lĩnh binh lính đánh dẹp ngoại xâm. Hai ông thấy vậy bèn xin về triều ứng tuyển. Vua thấy hai ông có tài văn võ hơn người liền lệnh truyền và lệnh cho giữ chức chỉ huy sứ. Cao Sơn- Quý Minh làm tả, hữu tướng quân tiên phong lên đường dẹp giặc Thục  Phán ở miền Đông Bắc. Hai tướng Cao Sơn-Quý Minh vâng lệnh cùng quân sỹ lên đường, trống dong cờ mở. Trên đường đi có một người tên là Cao Thanh xin nhận là anh em kết nghĩa. Khi tới miền Đông Bắc, tỉnh lộ Bắc Giang thì trời đã sẩm tối nên hạ lệnh đóng trại ở xứ đó. Một hôm đang ngủ trong bản doanh ba ông mộng thấy có thần linh tới xin trợ giúp. Sáng hôm sau, hai ông làm lễ bái yết và cho khao tướng sỹ. Nhân dân trong vùng thấy vậy nô nức tới hưởng ứng và giúp đỡ. Sau đó hai ông đã dẹp yên giặc, đất nước được thanh bình. Dẹp yên giặc xong, hai ông hồi triều, được nhận bổng lộc vua ban, hai ông bái tạ Đức vua và xin trở lại nơi các trang trại khu thuộc lộ Bắc Giang khi trước.

Sau khi Ba ông thăng về trời, vua  Hùng Vương đã ban sắc cho hai ông, phong Đức Cao Sơn là Thông minh Đại Vương, Tặng phong: Tế thế hộ quốc, an dân phù vận dương vũ dực thánh, bảo cảnh hiển hựu tôn thần. Nguyên tặng: Hiệu linh đôn tĩnh, hùng lược trác vĩ, dực  trung hưng Thượng đẳng thần. Phong cho Đức Quý Minh là: Hiển ứng Đại Vương. Tặng phong: Phụ uý uy dũng hộ quốc an dân, phù hiếu chiêu cảm, trật tự tôn Thần. Tặng thanh lãng cao diệu địch cát tĩnh, dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Chuẩn cho dân toàn vùng trong trang khu phụng thờ. Phong cho Cao Thanh là: Cao Thanh Dương Giáp dực thạc đức uy linh, Quý Minh Đại Vương, thượng đẳng thần. Dương phù, âm trợ, từ đó về sau các ngài đều được linh ứng cho nên được nhiều đời vua các triều đại phong kiến sau này sắc phong và mỹ tự, ban tặng cho các vị thần này được thờ ở các đình, trong đó có Nghè Cả, phường Dĩnh Kế.

Nghè Cả là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân phường Dĩnh Kế từ nhiều đời nay. Lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương được tổ chức vào ngày 5 và 6 tháng Hai hàng năm với đầy đủ những nghi thức long trọng, thành kính để tưởng nhớ đến Đức thánh Cả và thành hoàng làng đã có nhiều công lao to lớn với dân, với nước. Lễ hội còn thu hút được sự tham gia đông đảo của du khách thập phương. Tại lễ hội diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh như: lễ tế, dâng hương hoa của các cụ phụ lão và cán bộ, nhân dân địa phương. Cũng tại đây còn diễn ra các tiết mục giao lưu văn hóa văn nghệ như múa, hát quan họ, thể dục dưỡng sinh và các trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Lễ hội Nghè Cả, phường Dĩnh Kế là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, để nhân dân tưởng nhớ đến đức Thánh và các vị anh hùng dân tộc đã có công chống giặc ngoại xâm, đem lại hòa bình cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, đồng thời cầu mong cho quốc thái, dân an./.

Hải Yến