Thứ bảy, 18 Tháng 05 Năm 2024

Chuyên mục Chuyên mục

Ảnh Ảnh

      Thông tin cần biết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 26,433
Tổng số trong ngày: 5,145
Tổng số trong tuần: 31,818
Tổng số trong tháng: 94,310
Tổng số trong năm: 871,565
Tổng số truy cập: 6,041,548

Giữ vững khí tiết chiến sĩ Điện Biên năm xưa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 92, song ông Nguyễn Quang Minh, thôn Phúc Bé, xã Song Mai, TP Bắc Giang- Cựu chiến binh Điện Biên năm xưa vẫn còn minh mẫn, nhớ như in những trận đánh ác liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ để rồi kể lại cho thế hệ trẻ hiểu hơn về những năm tháng “nếm mật nằm gai” của lớp lớp cha ông đi trước trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Quang Minh cùng vợ ôn lại kỷ niệm xưa

Trong những ngày cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp đến thăm ông Nguyễn Quang Minh, một trong số ít cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa nay vẫn còn khỏe mạnh ở thành phố Bắc Giang. Vẫn phong cách người lính Cụ Hồ, ông Minh nhanh nhẹn mời khách ngồi uống nước, rồi hào hứng kể về những kỷ niệm năm tháng cùng đồng đội tiến đánh các cứ điểm của địch ở vùng lòng chảo Điện Biên.

Ông Minh kể, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông làm Đại phó Quân sự một đơn vị thuộc F316, được tham gia nhiều trận đánh, từ vòng trong đến vòng ngoài. Nếu không sử dụng chiến thuật đào hào đánh lấn thì quân ta khó lòng tiến lên được vì quân địch bắn phá rất ác liệt. Chúng sử dụng các loại vũ khí từ súng bộ binh đến pháo binh và ném bom nhằm ngăn ta tiến công. Thế nhưng, với quyết tâm tiêu diệt địch, quân ta đã đào hàng trăm km giao thông hào như chiếc thòng lọng thắt dần quân địch. Việc đào hào được diễn ra gần như liên tục, cả ngày lẫn đêm. Mọi người thay nhau đào, lúc thì đứng vai cầm súng cảnh giới, khi thì cầm cuốc xẻng xúc đất mặc cho địch bắn phá. Khi ấy, không ai nghĩ đến cái chết. Người này ngã xuống, người kia tiếp tục tiến lên.

Có hai loại chiến hào mà bộ đội phải đào, thứ nhất là đường hào trục chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm; hai là đường hào bộ binh chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí  mà quân ta dự định tiêu diệt.

Trong lúc kể chuyện, thỉnh thoảng ông Minh lại dừng lại, giọng nghẹn ngào, đôi mắt ngấn lệ. Theo ông Minh, chiến tranh thật tàn khốc, cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất lớn. “Có những lúc, chiến hào chứa đầy xác chết, chúng tôi đã phải vùi đất xuống để rồi tiếp tục đào hào mở sang hướng mới. Nhiều trận đánh, thấy anh nuôi gánh cơm nắm mang cho chiến sĩ thì hơn nửa vẫn còn nguyên, bởi nhiều đồng đội đã vĩnh viễn ra đi, chưa kịp ăn, trên tay vẫn cầm cuốc xẻng”, ông Minh xúc động nói.

Ông Nguyễn Quang Minh sinh ra ở xã Song Mai, do sớm giác ngộ lý tưởng Cách mạng, năm 18 tuổi, ông xung phong đi bộ đội. Trước khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Minh đã tham gia 3 chiến dịch lớn, gồm: Chiến dịch Biên giới Thu đông (năm 1950), chiến dịch Hòa Bình (năm 1951) và chiến dịch Thượng Lào (năm 1953). Trong tất cả các trận đánh, ông đều gan dạ chiến đấu trước kẻ thù. Năm 1956, ông Minh vinh dự được kết nạp vào Đảng; đến năm 1957, ông xin nghỉ phép về xây dựng gia đình rồi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Năm 1965, ông xuất ngũ, chuyển ngành về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau đó chuyển làm giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hà Bắc; đến năm 1980 thì được nghỉ hưu tại quê nhà.

Nay chiến tranh đã lùi xa, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng của dân tộc, hằng năm mỗi khi đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Minh lại tích cực cùng các nhà trường trên địa bàn xã tổ chức nói chuyện truyền thống, kể về những năm tháng hào hùng của dân tộc, những gương anh dũng hy sinh của lớp cha anh đi trước trong cuộc đấu tranh, giành độc lập cho dân tộc. Ông Minh đúc kết: “Có được chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trước hết là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sự quyết tâm trên dưới một lòng đánh thắng kẻ địch, không ai ngại hy sinh, gian khổ; do có sự chi viện vô cùng to lớn cả sức người lẫn sức của từ hậu phương khắp cả nước”.

Trong cuộc sống hằng ngày, ông Minh luôn giáo dục, căn dặn con cháu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, biết kính trên, nhường dưới, tận tâm vì việc chung. Hiện nay, 13 người con, cháu trong gia đình của ông đang là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; nhiều người con đã thành đạt, đi công tác trong các cơ quan, đơn vị; bản thân ông luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, được mọi người quý mến, tôn trọng.

Đỗ Thành Nam