Thứ ba, 07 Tháng 05 Năm 2024

Chuyên mục Chuyên mục

Ảnh Ảnh

      Thông tin cần biết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 12,101
Tổng số trong ngày: 5,916
Tổng số trong tuần: 16,005
Tổng số trong tháng: 42,617
Tổng số trong năm: 819,872
Tổng số truy cập: 5,989,855

ĐỐNG NGHIÊM TỰ - DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đống Nghiêm Tự (Chùa Đống Nghiêm hay còn gọi là Chùa Kế) thuộc phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang được xây dựng cách đây khoảng 700 năm, thuộc dòng thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ. Đầu thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông sau khi đánh đuổi giặc Nguyên - Mông đã về ở ẩn chốn Yên Tử và lập Hội Phật giáo tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Thấy khu đất Dĩnh Kế địa linh, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng chùa Đống Nghiêm Tự giữa trung tâm xã Dĩnh Kế. Vua giao cho tổ Trần Như, pháp hiệu là Thanh Như trụ trì xây dựng chùa, đồng thời còn ban cho chùa Đống Nghiêm ba chữ vàng là "Chánh Giám Viện".

Chùa Đống Nghiêm nằm ngay cạnh quốc lộ 31, con đường nối thành phố Bắc Giang với miền Đông bắc của tỉnh là các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động sang Quảng Ninh, Lạng Sơn. Chùa Đống Nghiêm ở vào vị trí thuận lợi cho mọi quý khách và tín đồ đến thăm quan, vãn cảnh  và dâng hương lễ Phật.

 Cạnh chùa là di tích Nghè Cả, trung tâm tín ngưỡng của nhân dân Dĩnh Kế, nơi ngưỡng vọng, tôn thờ đức thánh Cao Sơn - Quý Minh. Đây cũng là nơi đặt bia thờ các vị khoa bảng thời phong kiến của hai huyện: Phượng Nhỡn và Bảo Lộc, trong đó có trạng nguyên Giáp Hải và con trai của ông là tiến sĩ Giáp Phong, cùng tiến sĩ Nguyễn Duy Năng, người quê xã  Dĩnh Kế. Có thể nói,  chùa Đống Nghiêm là một di tích - như  người xưa xác định và ghi vào bia của chùa là một danh lam cổ tự, nằm trong tổng thể các di tích lịch sử quý của xã Dĩnh Kế là: Nghè Cả, Núi Quan Trạng, Giếng Quan Trạng, Bàn cờ Tiên và quần thể các di tích như đình chùa làng Thành, làng Vẽ, thành Xương Giang, quý khách có thể đến thăm di tích chùa Đống Nghiêm bằng nhiều phương tiện thuận lợi: ôtô, tàu hoả, xe máy, xe đạp...

Như các ngôi chùa của làng quê Việt Nam ta, Chùa Đống Nghiêm được nhân dân Dĩnh Kế lập nên để thờ Phật - nơi trung tâm sinh hoạt của tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và các tín đồ phật tử địa phương và thập phương. Theo các văn bia hiện còn lưu giữ tại chùa ghi lại, trước kia hệ thống tượng thờ ở chùa Đống Nghiêm khá phong phú gồm có các tượng Tam thế, Adiđà, Quan thế âm bồ tát, Đại thế chí bồ tát, Thích ca mô ni, Phổ hiền, Văn thù, Hộ pháp và Thập bát la hán. Việc bài trí này chứng tỏ ảnh hưởng khá sâu sắc của Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc ở địa phương Dĩnh Kế từ nhiều thế kỷ nay.

Ngoài thờ Phật, chùa Đống Nghiêm còn là nơi tôn thờ các vị tổ và hậu phật. Theo văn bia của chùa cho biết, ngày giỗ tổ chùa Đống Nghiêm là 18-8 âm lịch hàng năm. Trước kia chùa có 5 gian nhà tổ để thờ các vị tổ. Điều đáng tiếc là hiện chưa có  tài liệu văn tự nào để có thể tìm hiểu vị sư tổ chùa Đống Nghiêm là ai.

Căn cứ vào tấm bia đá còn lại ở chùa có tên “Nguyên cổ  tích danh lam Đống Nghiêm tự, dựng năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759) cho biết: Chùa Đống Nghiêm vốn là một danh lam nổi tiếng, nhưng bị đổ từ lâu, nên sư trụ trì chùa là Tỷ Khâu, tự là Viên Thường đã cùng với một số đệ tử quê ở xã Cam Đường, huyện Kim Thành (Hải Dương) trùng tu lại để ngày đêm làm nơi tụng kinh gõ mõ, nâng cửa bồ đề. Tại Chùa Đống Nghiêm hiện nay không thấy có tượng tổ Viên Thường, nhưng lại còn tháp gạch ở cửa chùa ghi rõ tên hiệu của sư Viên Thường, cùng với 4 pho tháp gạch khác, phải chăng vị sư tổ của chùa là Tỷ Khâu Viên Thường, người đã trụ trì và cho dựng lại chùa Đống Nghiêm vào giữa thế kỷ XVIII. Cũng theo văn bia ở chùa, nhân dân xã Dĩnh Kế còn thờ các vị hậu Phật ở chùa Đống Nghiêm. Đó là những người có công lớn trong việc tu bổ, mở rộng chùa và cúng hậu vào chùa.

Sự thờ tự của nhân dân Dĩnh Kế ở chùa Đống Nghiêm đã là một biểu hiện sinh động và tập trung đời sống tâm linh, tín ngưỡng và đời sống văn hoá đạo lý của nhân dân địa phương: Sùng đạo, nhớ ơn những người có công xây dựng tu bổ chùa, mở mang chợ búa, đem lại sự giàu có cho mọi người, sự sầm uất đô hội của Dĩnh Kế. Đó là truyền thống đạo lý và văn hiến của người Việt Nam. Văn bia chùa Đống Nghiêm đã cho thấy, ngay từ khi khởi dựng và quá trình tu bổ, mở rộng, tôn tạo, nơi đây đã thực sự là một cổ tích danh lam. Nguyên văn: “Nguyên cổ tích danh lam Đống Nghiêm tự”, cổ tích trước hết là ở thời điểm khởi dựng ngôi chùa. Hiện nay chưa có tài liệu nào cho biết chính xác thời điểm xây dựng chùa Đống Nghiêm. Văn bia còn lại ở ngôi chùa này cho biết: Vào thế kỷ XVIII chùa Đống Nghiêm đã là một danh lam lớn, nhưng bị đổ nát từ lâu.          

Theo nhân dân cho biết, chùa Đống Nghiêm, xã Dĩnh Kế là chi phái của chùa Vĩnh Nghiêm. Nơi đây là chốn nghỉ chân của các sư tăng trước khi về chốn tổ Vĩnh Nghiêm kết hạ. Chùa Đống Nghiêm giữ vai trò chánh Giám Viện của chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Về vị trí, vai trò và quy mô của chùa Đống Nghiêm được dân gian phản ánh qua câu ca dao:

Thứ nhất là chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm)

Thứ nhì chùa Kế (Đống Nghiêm)

Thứ ba chùa Dền (Sùng Tích)

Qua cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh, Chùa Đống Nghiêm bị tàn phá đổ nát, rồi sau đó vào thế kỷ XVII, XVIII, ngôi chùa này được tu bổ, mở rộng, và trở thành một trung tâm sinh hoạt Phật giáo khá sầm uất của nhân dân và các sư tăng trong nhiều thế kỷ.

Chùa Đống Nghiêm không chỉ là một cổ tích, mà còn là một danh lam. Các công trình kiến trúc của chùa khá quy mô gồm nhiều toà: Thượng Điện, Tam bảo, Toà cửu phẩm, gác chuông, gác khánh, nhà tổ, giải vũ, tam quan, sân vườn… cho thấy chùa Đống Nghiêm thực sự là nơi thắng tích, có giá trị văn hoá nghệ thuật. Tuy nhiên, qua các cuộc chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên cùng nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nhiều công trình của chùa Đống Nghiêm nay không còn hoặc không còn được nguyên vẹn như xưa. Song căn cứ vào văn bia còn lại và những điều còn được lưu truyền trong nhân dân và đặc biệt là những di tích, công trình kiến trúc còn lại vẫn cho ta thấy được vẻ quy mô, to lớn và uy nghiêm của chùa Đống Nghiêm xưa. Đó là toà tam bảo, vườn tháp cùng sân chùa, hệ thống tượng Phật và bia đá. Ngoài giá trị là một kiến trúc cổ kính đậm nét truyền thống của dân tộc được thể hiện ở kiểu thức kết cấu các vì kèo và các mảng trạm khắc rất tinh xảo, ở chùa Đống Nghiêm còn là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật và tài liệu quý có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Đó là hệ thống tượng pháp, các đồ thờ tự và bia ký bằng đá. Giá trị lịch sử và nghệ thuật của chùa Đống Nghiêm càng được khẳng định bởi hệ thống tượng pháp phong phú, tạo tác đẹp, nhiều cổ vật cổ quý như: bình hương bằng đá, bằng sứ, nhiều đồ thờ tự bằng gỗ, đặc biệt hệ thống các bia đá thời Lê. Các tấm bia đá ở chùa không những cung cấp những nguồn văn tự chính xác phong phú để tìm hiểu về lịch sử, quy mô kiến trúc của chùa cùng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân qua các thời kỳ lịch sử, mà còn là những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện trình độ kỹ thuật tinh xảo và tài nghệ của các nghệ nhân thời Lê.

Các hoạt động thờ tự, lễ hội tại chùa Đống Nghiêm được duy trì từ xưa đến nay, phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo. Đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hoá đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống đạo lý, lối sống cao đẹp của nhân dân ta. Tín sùng Phật, nhớ ơn những người có công, khuyên nhau làm điều thiện, khuyến khích những người và những việc làm tâm phúc, góp phần giữ gìn, tu bổ và mở rộng chùa Đống Nghiêm từ xưa cho tới ngày nay. Đó chính là những giá trị lịch sử và văn hoá, nghệ thuật của di tích chùa Đống Nghiêm. Với những giá trị về điêu khắc và kiến trúc nghệ thuật trong lịch sử. Di tích chùa Kế (Đống Nghiêm Tự) ngay từ năm 1994 đã được thành phố nghiên cứu, lập hồ sơ và được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa TT và Du lịch) xếp hạng bảo vệ. Đây cũng sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khi tới thăm thành phố Bắc Giang, tìm hiểu về mảnh đất, lịch sử cũng như con người Bắc Giang trong quá khứ và hôm nay.